Friday, August 1, 2014

Nỗi niềm mùa bông chít


Cứ sau Tết âm lịch hàng năm, bông chít lại nở trắng rừng. Và từ tháng Giêng, người dân xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên lại rủ nhau lên núi khai thác bông chít. Mặc dù công việc này mang đến cho họ một khoản thu nhập không nhỏ nhưng người dân Hải Lạng vẫn không khỏi ngậm ngùi mỗi mùa bông chít đến. Bởi lẽ, dù sống cạnh nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng họ vẫn phải mua chổi chít với giá đắt hơn rất nhiều so với giá bông chít mà họ bán cho người thu mua.
Và cứ năm này qua năm khác, những người theo nghề chặt chít vẫn nuôi mong ước có một cơ sở sản xuất tại địa phương, xây dựng được thương hiệu chổi chít Tiên Yên...
Ông Hoàng Minh Bằng thu mua bông chít rồi mang phơi khô để bán cất cho các cơ sở làm chổi.
Ông Hoàng Minh Bằng thu mua bông chít rồi mang phơi khô để bán cất cho các cơ sở làm chổi.
Bông chít mùa bội thu
Đến thôn Khe Cát, xã Hải Lạng, Tiên Yên, hỏi về cây chít, chúng tôi được giới thiệu ngay tới nhà ông Hoàng Minh Bằng, người chuyên thu mua bông chít từ những người dân ở trong xã. Tới nơi, chúng tôi chen chân mãi mới vào được tới sân bởi từ ngoài cổng vào trong nhà, chỗ nào cũng ngổn ngang các bó chít. Vừa tiếp những người dân mang chít đến bán, ông Bằng vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo: “Nhà tôi thu mua bông chít đã gần 15 năm, có được cuộc sống như ngày hôm nay cũng là nhờ loài cây ấy. Chít chỉ là loại cây cỏ rừng, sống tự nhiên trong vùng núi cao nhưng thân và bông nó là nguyên liệu chính làm ra cây chổi bông (chổi chít). Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên xã Hải Lạng là một trong những nơi có cây chít tập trung phát triển nhiều. Đây là “lộc rừng” mà thiên nhiên ban tặng cho người dân đấy”.
Năm nay, cây bông chít được mùa, giá cả ổn định nên người chặt bông chít rất vui mừng, phấn khởi. Nhiều hộ gia đình sau khi ăn Tết xong đã tranh thủ vào rừng chặt chít về bán cho các thương lái. Chị Lý Thị Phương, thôn Khe Cát, là người có thâm niên gần 30 năm theo nghề chặt bông chít tâm sự: “Cây bông chít một năm chỉ cho thu hoạch một lần, từ tháng Giêng đến hết tháng hai âm. Đang vào giữa mùa chít nên gia đình tôi tranh thủ vào rừng tìm bông chít sớm nếu không mọi người sẽ thu hoạch hết”. Nhìn người phụ nữ dáng nhỏ bé, làn da rám nắng đang gạt những giọt mồ hôi bên cạnh, tôi hỏi: “Chặt chít vất vả lắm hả chị?”. Như chạm vào đúng “mạch”, chị Đặng Thị Sen kể: “Hải Lạng cũng nhiều chít nhưng người khai thác cũng đông nên mới đầu mùa đã hết. Bây giờ, để chặt được chít, chúng tôi phải lặn lội vào rừng từ mờ sáng đến chiều tối. Có khi phải đi xa tìm kiếm tới bốn mươi cây số, đến tận đồi rừng ở xã Cộng Hoà, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Hay phải đi xe máy sang tận Ba Chẽ rồi vượt đồi, leo dốc mới chặt được chít”.
Vì cây chít chỉ ra theo mùa một thời gian ngắn nên những người như chị Phương, chị Sen luôn phải tranh thủ từng ngày để lên rừng chặt chít. Cây chít  được cắt nguyên phần giữa thân đến bông rồi bó lại vận chuyển về nhà bán cho các thương lái với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg chít tươi. Mỗi chuyến đi, người chặt chít mang về được khoảng 20-50kg bông chít nhưng không phải một lúc một chỗ chặt được ngay mà phải đi nhiều nơi rồi gom lại mới được. Công việc hết sức cực nhọc, vất vả nhưng hầu hết những người chặt chít đều là phụ nữ. Chị Sen kể: “Trời quang mây tạnh thì đường đi chặt chít còn đỡ, chứ lúc trời mưa, đường trơn, trượt ngã là chuyện như cơm bữa. Tôi nhớ có lần đang vác trên vai khoảng 20kg bông chít để xuống rừng thì trượt chân ngã, may mà bám được vào mấy cây dại chứ không  thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Thấy tôi xuýt xoa khi nhìn những vết xước rớm máu trên tay, chị cười xoà: “Quen rồi cô à, chặt cây bông chít mà không bị xước tay, chảy máu mới là chuyện lạ. Lá cây chít sắc lắm. Chúng tôi đều phải đeo găng tay nhưng cũng không lại được...”.  
Dẫu vất vả như thế nhưng ngày càng có nhiều người tham gia chặt chít bởi loại cỏ rừng này mang đến cho họ một nguồn thu nhập không nhỏ khi vào mùa. “Trước đây, chưa có người thu mua nên rất ít người đi chặt bông chít. Giờ cả xóm tôi hầu như nhà nào cũng có người đi chặt cây chít. Mỗi ngày, tôi chặt được 30-50kg chít, với giá bán 5.000 đồng/kg chít tươi, trung bình một ngày cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Nhiều người gặp may tìm được bãi chít kiếm được 500.000 - 600.000 đồng đấy” - Anh Đặng Văn Minh, một người chặt chít ở thôn Khe Cát chia sẻ. Thậm chí, có cả những em học sinh tranh thủ vào ngày nghỉ theo chân bố mẹ vào rừng chặt chít kiếm thêm thu nhập. Em Vũ Thị Hà, Trường THCS Hải Lạng kể: “Cứ chủ nhật hàng tuần em lại theo bố, mẹ đi chặt chít. Mỗi ngày em cũng kiếm được 50.000 - 60.000 đồng. Việc chặt chít tương đối vất vả nhưng em rất vui khi mình đã kiếm được chút tiền phụ giúp bố mẹ trang trải trong cuộc sống và tiết kiệm để mua thêm sách vở về học”.
Bông chít được người dân mang từ rừng xuống để vận chuyển về nhà.
Bông chít được người dân mang từ rừng xuống để vận chuyển về nhà.
Hướng nào để phát triển?
Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi đưa từ rừng về bông chít được phơi khô từ 5-6 ngày rồi mới xuất bán cho các cơ sở làm chổi. Ông Hoàng Minh Bằng bảo: “Phơi chít cũng phải cẩn thận, mưa thì thu ngay còn nắng thì lại mang ra phơi. Không thu kịp thì đành phải chấp nhận bỏ lứa đó”. Tuy nhiên, những người thu mua chít như ông Bằng cũng chỉ là một khâu trung gian, tức là thu mua chít rồi phơi khô, sau đó bán cất cho các cơ sở làm chổi ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định với giá 20.000 đồng/kg (chít khô). Và 1kg chít khô, người ta có thể làm được ít nhất là 2 cái chổi chít. Trong khi đó, chính những người dân Hải Lạng lại phải mua chổi chít với giá 25.000 - 30.000 đồng/cái.
Ông Đinh Văn Khuây, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Lạng băn khoăn: “Cây chít là cây mọc tự nhiên, khai thác nhiều rồi cũng cạn kiện nguồn nguyên liệu, vì thế tôi rất mong được cấp uỷ, chính quyền các cấp xem xét hỗ trợ cho người dân du nhập nghề làm chổi chít và định hướng đầu ra cho sản phẩm này. Từ đó, chúng ta có thể thành lập làng nghề chổi chít. Khi đã thành làng nghề rồi sẽ có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng chít”. Cũng theo ông Khuây, hoàn toàn có thể tận dụng các vùng đất hoang hoá để trồng chít và chỉ sau 2-3 năm là cho thu hoạch bông, hết vụ người dân chăm sóc năm sau lại thu tiếp. Tính như vậy, cây chít vừa bảo vệ được đất vừa mang lại thu nhập cho người dân. Và nếu như có nghề làm chổi chít, nhiều người dân Hải Lạng sẽ có việc làm, có thêm thu nhập. Ông Bằng cũng cho biết: “Tôi cũng mong muốn có một cơ sở sản xuất chổi tại địa phương để đáp ứng hết nhu cầu thu mua nguồn nguyên liệu từ cây chít rừng này. Từ đó, xây dựng thương hiệu chổi chít Tiên Yên, giúp bà con ổn định phát triển kinh tế. Đây cũng chính là mong muốn chung của người theo nghề chặt chít từ nhiều năm nay”.
Mong muốn của người dân là thế nhưng chưa ai ở Hải Lạng dám đứng ra làm bởi ngoài yêu cầu về kỹ thuật, để mở cơ sở sản xuất chổi chít cần nguồn vốn tương đối lớn, cần cả việc tiếp thị, mở thị trường… Những việc làm ấy quá khó đối với những người nông dân chân chất ở Hải Lạng. Họ chỉ dám đặt hy vọng vào đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Bởi lẽ đề án này đang mở ra những hướng đi mới cho sản xuất nông sản hàng hoá của nông dân trong tỉnh nhằm thực hiện việc nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống (nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...) có lợi thế ở khu vực nông thôn. Và với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, Hải Lạng hoàn toàn có thể phát triển nghề làm chổi chít nếu có sự hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn…
(Theo báo quảng ninh)